[-] Dự án thép 8.000 tỉ 'đắp chiếu' ở Thái Nguyên: Bán lại cho tư nhân liệu có khả thi? | Dự án thép 8.000 tỉ 'đắp chiếu' ở Thái Nguyên: Bán lại cho tư nhân liệu có khả thi?
Dự án thép 8.000 tỉ 'đắp chiếu' ở Thái Nguyên: Bán lại cho tư nhân liệu có khả thi?
Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện đang có ít nhất 3 doanh nghiệp thép trong nước ngỏ ý muốn mua lại dự án mở rộng giai đoạn 2 vốn đang "đắp chiếu" của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam.
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 có quy mô đầu tư lên đến 8.104 tỉ đồng, được triển khai thực hiện từ năm 2007. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các hạng mục chính của dự án vẫn chưa được hoàn thành.
Tính đến ngày 30.6.2016, tổng giá trị đầu tư của dự án này đã thực hiện đạt 4.539,7 tỉ đồng. Con số này chiếm tới 98% tổng giá trị xây dựng cơ bản dở dang của TISCO. So với thời điểm đầu năm, giá trị xây dựng cơ bản dở dang của dự án này tăng thêm 101,6 tỉ đồng. Ở thời điểm này, TISCO đang trong “thế kẹt” giữa việc tiếp tục hay buông bỏ dự án khi số tiền giải ngân đã quá lớn.
Đại diện TISCO cho biết có hai lối thoát cho dự án hiện nay là đầu tư tiếp đến khi dự án hoạt động tốt thì Nhà nước mới thoái vốn cho tư nhân làm, hoặc Nhà nước bán toàn bộ công ty để tư nhân nắm quyền chi phối thì mới có thể thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư bên ngoài.
Trao đổi thêm với báo chí về dự án, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khẳng định chủ trương là không để nhà máy phải phá sản. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ là không đổ thêm tiền vào dự án.
Ông Hoài cũng tiết lộ thêm dự án có thể sẽ có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Hiện đã có ít nhất 3 doanh nghiệp thép trong nước ngỏ ý muốn mua lại dự án mở rộng giai đoạn 2 đang dang dở của TISCO.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ đấu giá cổ phần Nhà nước góp tại TISCO, vốn nhà nước vào TISCO khoảng hơn 1.000 tỉ đồng, sắp tới đây sẽ thoái số vốn này.
Lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng cho biết thêm, Bộ Công Thương dự kiến sẽ đề nghị thanh tra Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu rằng bán lại dự án này cho các doanh nghiệp tư nhân thì có khả quan? Về vấn đề này, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng nếu quyết định dừng dự án vào thời điểm này thì sẽ phải chịu tổn thất lớn vì số tiền đầu tư vào đây là rất nhiều. Theo đó, lựa chọn tốt nhất và có tính khả thi là ưu tiên bán cho các doanh nghiệp trong nước có điều kiện.
Lý giải về điều này, TS Kiêm cho rằng khi bán lại cho các doanh nghiệp tư nhân thì không những thu hồi được vốn, mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đóng góp hiệu quả.
Đồng quan điểm với TS Kiêm, TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng trong bối cảnh Nhà nước không thể đổ thêm tiền vào dự án này thì việc cổ phần hóa, huy động vốn tư nhân là một chủ trương đúng đắn.
"Xử lý dứt điểm dự án theo tôi nên tiến hành theo cơ chế kinh tế thị trường. Nếu doanh nghiệp thấy khả năng đầu tư có lãi và có lợi thì họ tham gia. Nếu cổ phần hóa 100% thì cũng là cách nói khác của việc bán dự án này. Trong đó có thể là nguồn vốn huy động từ trong nước hoặc nước ngoài", TS Doanh nói.
Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công việc thẩm định giá đối với dự án này. Theo quan điểm của Bộ, việc tháo gỡ khó khăn một cách tổng thể và căn cơ cho dự án là rất cần thiết. Nếu hoạt động, dự án sẽ tạo ra hơn 1.300 việc làm mới, tạo ra giá trị sản phẩm gia tăng trên 1.412 tỉ đồng/năm và đóng góp cho ngân sách trên 779 tỉ đồng/năm.
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 vừa qua, đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) cũng lên tiếng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan tạo điều kiện giúp đỡ để dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên sớm được triển khai, tái khởi động trở lại.
Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Thép Thái Nguyên được phê duyệt từ năm 2005 với tổng mức đầu tư 3.843 tỉ đồng. Cơ cấu nguồn vốn, 45% là của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Vietinbank (45%) và vốn tự có của chủ đầu tư (10%).
Tính đến thời điểm 30.6.2016, tổng giá trị đầu tư của dự án này đã thực hiện đạt 4.539,7 tỉ đồng.
TISCO đã lập báo cáo số 282 ngày 10.5.2016 để kiến nghị Bộ Công Thương về các đề xuất phê duyệt điều chỉnh lần 2 tổng mức đầu tư dự án, kèm theo các điều kiện ưu đãi về cơ chế tín dụng, thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng được hoàn của tổng mức đầu tư.
Cập nhật: 12-01-2017
Nguồn Một thế giới
Các tin khác...