[-] Ngành thép trước áp lực phòng vệ thương mại | Tập đoàn thép không gỉ Tiến Đạt | tiendatsteel.com

Ngành thép trước áp lực phòng vệ thương mại

Chuyên mục: Tin tức ngành thép,  |  Đọc: 264

Theo ước tính, trong bốn tháng qua, kim ngạch xuất khẩu thép nước ta đạt khoảng 1,3 tỷ USD, thị trường chủ yếu ở khu vực ASEAN (chiếm hơn 50%), tiếp đến là Mỹ, EU. Trong bối cảnh ngành thép vẫn còn nhiều khó khăn, con số này được cho là khả quan. Tuy nhiên, việc ngành thép gia tăng xuất khẩu khi thế giới đang dư thừa công suất, sẽ phải chịu áp lực lớn từ biện pháp phòng vệ thương mại của quốc gia nhập khẩu.

Thời gian qua, Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh về năng lực sản xuất thép.

Giai đoạn 2006 - 2016, công suất tăng từ 1,5 triệu tấn/năm lên hơn 21 triệu tấn. Tổng năng lực sản xuất hiện đạt khoảng 30 triệu tấn thép/năm, đứng đầu khu vực Đông - Nam Á. Năm 2017, sản lượng xuất khẩu đạt 5,5 triệu tấn (tăng 28,5%); kim ngạch đạt 3,6 tỷ USD (tăng 45,4%) so với năm 2016. Dự báo trong năm nay, tăng trưởng ngành thép đạt 20 đến 22%, trong đó, thép xây dựng tăng 10%, tôn mạ mầu tăng 12%,... Trong khi xuất khẩu gặp nhiều áp lực, thị trường trong nước cạnh tranh nhau khốc liệt, thì thép nhập khẩu vẫn ồ ạt tràn vào. Một số mặt hàng thép nước ta đã sản xuất được nhưng vẫn nhập khẩu với số lượng lớn như tôn mạ mầu (1,27 triệu tấn); thép cây và thép cuộn (877 nghìn tấn).

Ngành thép được xác định là một trong các ngành kinh tế cơ sở quan trọng, sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cơ bản của hầu hết các ngành công nghiệp trọng điểm. Vì thế, đây là ngành hàng đứng đầu danh sách bị áp dụng phòng vệ thương mại. Hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU đều sử dụng biện pháp này nhằm bảo vệ thị trường trong nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Vừa qua, Mỹ đã áp dụng mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu từ nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) vì lý do an ninh. Ngay sau đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng tự khởi xướng điều tra, áp dụng phòng vệ với thép nhập khẩu do lo ngại thép bị chặn khi vào Mỹ sẽ chuyển hướng sang thị trường châu Âu. Một số nước khác như Ca-na-đa, Ấn Độ, Thái-lan cũng “đánh tiếng” về khả năng này trước nguy cơ chuyển hướng thương mại,... Có thể thấy, các quốc gia đang rất chủ động để có những biện pháp xử lý với tình trạng dư thừa công suất thép.

Khi nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc các nước bảo hộ cho DN của họ đòi hỏi cả cơ quan quản lý và DN trong nước phải có sự bứt phá, liên kết tạo sức mạnh để nâng cao sức cạnh tranh, trụ vững trên “sân chơi” quốc tế và cả thị trường trong nước. Về phía DN, cần đánh giá bức tranh tổng thể ngành thép hiện tại, thận trọng hơn khi quyết định đầu tư tăng công suất, bởi hướng đến xuất khẩu trong giai đoạn tới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các DN thép cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh và nắm bắt sâu kiến thức về thương mại quốc tế, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ có thể xảy ra. Đồng thời, nghiên cứu, bố trí thị trường hợp lý, tránh tập trung chủ yếu vào một vài quốc gia, gây nên tình trạng xuất khẩu tăng đột biến, tạo lý do để các nước tiến hành khởi xướng điều tra phòng vệ.

Ngoài nỗ lực của các DN sản xuất thép, sự tham gia tích cực, chủ động của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là một số đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Công thương về phòng vệ thương mại có vai trò rất quan trọng. Cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng tốt thông tin về thị trường, sản phẩm cũng như chiến lược phát triển ngành thép cho DN, đề xuất cơ chế khuyến khích; kịp thời nghiên cứu chính sách của các quốc gia xuất khẩu, những thay đổi về quy tắc, xuất xứ đối với thép để kịp thời cảnh báo các DN trong nước.


Cập nhật: 22-05-2018
Nguồn Nhân dân




Các tin khác...